Chủ đầu tư dự án và công trình tư nhân

Cuộc sống không ngừng phát triển tạo ra một hệ quả tất yếu là ngày càng có nhiều công trình xây dựng phục vụ nhu cầu của con người. Do đó, có thể thấy lĩnh vực xây dựng là một lĩnh vực có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Gắn với công trình xây dựng, đầu tiên phải nói đến chủ dự án đầu tư xây dựng. Vậy bạn đã biết gì về “nhân vật” này
Mục lục nội dung

Tìm hiểu về chủ dự án đầu tư xây dựng cùng NPLaw

Nội dung về chủ dự án đầu tư xây dựng được quy định như thế nào theo pháp luật Việt Nam? Bạn muốn trở thành chủ dự án đầu tư xây dựng nhưng chưa biết mình có đủ điều kiện hay không và sẽ được làm những gì? NPLaw sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc ấy qua bài viết dưới đây.

I/ Chủ dự án đầu tư xây dựng là ai?

Trước khi tìm hiểu về chủ dự án đầu tư xây dựng, chúng ta cần biết dự án đầu tư xây dựng là gì?

Theo quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2016, 2018, 2019, 2020 (sau đây gọi là Luật Xây dựng) dự án đầu tư xây dựng là tập hợp những đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để xây dựng công trình, bao gồm tiến hành các hoạt động: xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa,... nhằm kiến tạo, duy trì và nâng cao chất lượng công trình xây dựng trong một thời hạn và chi phí nhất định.Chủ đầu tư dự án xây dựng (gọi tắt là chủ đầu tư) là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện đầu tư vào dự án xây dựng theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng.

II/ Quy định về chủ dự án đầu tư xây dựng

Trong từng bước gắn với dự án xây dựng, chủ đầu tư sẽ có một số quyền và nghĩa vụ nhất định. Bên cạnh đó, xây dựng là một lĩnh vực cần nguồn lực lớn về vật chất, con người,... từ đó, trách nhiệm của chủ dự án đầu tư xây dựng đặc biệt quan trọng và cần được tìm hiểu.

1. Quyền và nghĩa vụ của chủ dự án đầu tư xây dựng

Luật Xây dựng quy định quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án xây dựng, thi công công trình xây dựng tại Điều 68 và Điều 112 như sau:

(1) Về quyền và nghĩa vụ trong việc lập và quản lý dự án đầu tư xây dựng:

Chủ đầu tư có các quyền:

  • Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này;
  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án;
  • Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án;
  • Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo thẩm quyền;
  • Một số quyền khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh quyền, chủ dự án đầu tư phải thực hiện những nghĩa vụ sau:

  • Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;
  • Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này;
  • Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
  • Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự án theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và của người quyết định đầu tư;
  • Tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định tại Điều 66 của Luật này;
  • Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
  • Thu hồi vốn, trả nợ vốn vay đối với dự án có yêu cầu về thu hồi vốn, trả nợ vốn vay;
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

(2) Về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc thi công xây dựng công trình:

Đối với việc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư có các quyền:

  • Tự thực hiện thi công xây dựng công trình khi có đủ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình phù hợp hoặc lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng;
  • Đàm phán, ký kết hợp đồng thi công xây dựng; giám sát và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết; xem xét, chấp thuận biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường do nhà thầu trình;
  • Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng theo quy định của pháp luật và của hợp đồng xây dựng;
  • Dừng thi công xây dựng công trình, yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng khắc phục hậu quả khi vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và bảo vệ môi trường;
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp để thực hiện các công việc trong quá trình thi công xây dựng công trình;
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Chủ đầu tư có nghĩa vụ trong hoạt động thi công xây dựng công trình như sau:

  • Lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng phù hợp với loại, cấp công trình và công việc thi công xây dựng;
  • Phối hợp, tham gia với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng xây dựng để bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng;
  • Tổ chức giám sát và quản lý chất lượng trong thi công xây dựng phù hợp với hình thức quản lý dự án, hợp đồng xây dựng;
  • Kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường;
  • Tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình;
  • Thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực hoạt động xây dựng để kiểm định chất lượng công trình khi cần thiết;
  • Xem xét, quyết định các đề xuất liên quan đến thiết kế của nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng;
  • Lưu trữ hồ sơ xây dựng công trình;
  • Chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng do mình cung cấp sử dụng vào công trình;
  • Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và hành vi vi phạm khác do mình gây ra;
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng

Trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng, ngoài việc có hiểu biết và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 68 và Điều 112 Luật Xây dựng chủ đầu tư dự án xây dựng còn có trách nhiệm tuân thủ quyền và nghĩa vụ trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, cụ thể theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, đó là:

  • Chấp thuận các đề xuất về thay đổi vật tư, vật liệu xây dựng, biện pháp thi công, yêu cầu kỹ thuật theo đề xuất của tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường theo các thỏa thuận của hợp đồng xây dựng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng và mục tiêu của dự án;
  • Quản lý chặt chẽ, sử dụng nguồn vốn bố trí cho dự án đúng mục đích; kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định, đảm bảo tiến độ, hiệu quả của dự án;
  • Thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng nếu có đủ điều kiện năng lực theo quy định;
  • Cung cấp thông tin dữ liệu của dự án theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp hoặc tổ chức thu thập thông tin quản lý chi phí theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước;
  • Tạm ứng, thanh toán và quyết toán hợp đồng theo các quy định trong hợp đồng đã ký kết với nhà thầu;
  • Mua bảo hiểm công trình đối với các công trình có quy định phải mua bảo hiểm hoặc ủy quyền cho nhà thầu mua bảo hiểm thông qua hợp đồng xây dựng;
  • Thực hiện nộp phạt khi bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng từ nguồn chi phí quản lý dự án.

III/ Điều kiện là chủ dự án đầu tư xây dựng

Với những loại công trình khác nhau, đối tượng được xác định trở thành chủ đầu tư cũng sẽ có những tiêu chí khác nhau. Theo quy định tại Điều 7 Luật Xây dựng căn cứ nguồn vốn sử dụng cho đầu tư xây dựng thì:

  • Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc xác định chủ đầu tư được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này và pháp luật về đầu tư công;
  • Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công), chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng;
  • Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP), chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án PPP được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
  • Đối với dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại các 03 trường hợp trên (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn khác) mà pháp luật về đầu tư có quy định phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các nhà đầu tư có thể thành lập tổ chức hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư làm chủ đầu tư. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư thì việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan;
  • Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại các trường hợp trên, chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân bỏ vốn để đầu tư xây dựng.

Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư. Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư.Bên cạnh đó, điều kiện trở thành chủ đầu tư dự án xây dựng còn tùy thuộc vào một số luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Đất đai,... chủ yếu liên quan đến quốc tịch, nguồn vốn, chức năng (doanh nghiệp),...

IV/ Những thắc mắc thường gặp về chủ dự án đầu tư xây dựng

Những nội dung về chủ dự án đầu tư xây dựng cần được tìm hiểu cặn kẽ, trong đó có một số thắc mắc thường gặp dưới đây.

1. Chủ dự án có được thế chấp dự án xây dựng hình thành trong tương lai cho tổ chức tín dụng không?

Câu trả lời là có. Tuy nhiên việc thế chấp dự án xây dựng hình thành trong tương lai cho tổ chức tín dụng cần tuân thủ theo một số quy định pháp luật như sau:

Đầu tiên, không phải dự án xây dựng nào cũng có thể được thế chấp tín dụng. Do đó, theo quy định tại Điều 8 Thông tư 26/2015/TT-NHNN hướng dẫn trình tự thế chấp và giải chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai, các dự án xây dựng hình thành trong tương lai trong các trường hợp sau mới được phép thế chấp:

  • Dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo một công trình nhà ở độc lập hoặc một cụm công trình nhà ở;
  • Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực nông thôn;
  • Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hoặc dự án sử dụng đất hỗn hợp mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở;
  • Dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Các dự án này được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở 2014.

Tiếp theo, chủ đầu tư phải đảm bảo các điều kiện thế chấp dự án xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 7 Thông tư 26/2015/TT-NHNN, đó là:

  • Có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt;
  • Có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Là dự án đầu tư xây dựng nhà ở quy định tại Điều 8 Thông tư này.
  • Nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
  • Không nằm trong phần dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này;
  • Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu;
  • Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chủ dự án đầu tư xây dựng đối với dự án do địa phương quản lý có thể do Ủy ban nhân dân xã đảm nhận không?

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, dự án sử dụng vốn ngân sách cấp xã, chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân cấp xã. Nếu dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh thì chủ đầu tư sẽ do người đầu tư quyết định để phù hợp với điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 03/3/2021 trong khi Nghị định thay thế là Nghị định số 15/2021/NĐ-CP không còn quy định đề cập đến vấn đề này.Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì một số dự án đầu tư xây dựng của cơ quan nhà nước thì chủ đầu tư có thể là Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, thẩm quyền thành lập và tổ chức hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên ngành thuộc về người đứng đầu cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành. Do đó, có thể nói, Ủy ban nhân dân xã không thể là chủ đầu tư của các dự án này.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw xoay quanh các vấn đề về chủ dự án đầu tư xây dựng (hay còn gọi tắt là chủ đầu tư). Thông qua bài viết, hy vọng quý khách hàng đã có cho mình thông tin cũng như những câu trả lời cho thắc mắc của mình về chủ đề này. NPLaw hân hạnh là đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý cho quý khách hàng liên quan đến lĩnh vực đầu tư dự án xây dựng.

NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ







0868630555